Từ xưa đến nay, trà là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Khi đối diện với chén trà ấm nóng, chẳng còn phân biệt sang hèn, si hận, chỉ có vị trà tinh túy ngọt hậu là còn lưu lại mãi.
Có thể nói, một bộ ấm pha trà là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Suốt bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, từ lầu son gác tía tới chốn Thiền môn, từ người nông dân đến bậc trí sĩ, dù lễ tết hay hiếu hỉ, người Việt đều uống trà, mời trà. Trà không còn chỉ là một thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa – nay.
Trà xưa
Ở chốn cung đình, các ông vua bà chúa xưa thưởng trà rất cầu kỳ và công phu, trà được ủ từ hôm trước, nước pha trà được hứng từ những giọt sương trên búp sen vào sớm hôm sau. Khi pha xong, trà được rót ra tách sứ long phụng, dâng bằng hai tay một cách cung kính lên “ơn trên”.
Ở chốn Thiền môn, trà được xem như vật phẩm tĩnh toạ, nên có câu: “trà vị, Thiền vị, thị nhất vị”, nghĩa là trà và Thiền là một. Cách uống trà của Thiền môn thể hiện rõ nét những triết lý tu học qua bốn chữ: Hòa (sự hòa hợp của thiên nhiên và con người), Kính (kính trọng sự tồn tại của vạn vật), Thanh (sự thanh khiết của vật chất và tinh thần), Tịnh (sự bình an của tâm hồn).
Ở nơi dân dã, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếc ghế, một ống điếu thuốc lào, người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh…
Uống trà có thể là độc ẩm (uống một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người), nên người xưa có câu: “Trà tam, rượu tứ”. Mỗi độ Xuân về hay tiết Trung thu, các tao nhân mặc khách lại tụ họp cùng nhau thưởng trà, ngắm trăng, bình thơ. Mời trà và dùng trà cũng là cách để kiếm tìm tri kỷ, kết mối thâm giao.
Theo đó, một cuộc trà đúng lễ phải hội đủ những tiêu chí: Nhất thủy (nước pha trà phải ngon), Nhì trà (loại trà tinh túy), Tam bôi, Tứ bình (dụng cụ và cách thức pha trà phải chuẩn), Ngũ quần anh (tri kỉ cùng thưởng trà).
Các tiền nhân sành sỏi trong nghệ thuật uống trà cho rằng: Trà có nhiều nước, nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đậm đà, sâu thẳm, đó mới thực sự là hồn cốt tinh túy trong một ấm trà. Sau cái đắng chát là vị ngọt hậu cứ đọng mãi.
Bởi vậy, trà giúp nuôi dưỡng tâm hồn thanh khiết và là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Dân gian vẫn còn lưu truyền những áng thơ trác tuyệt của người xưa về trà: “Khi hương sớm, lúc trà trưa. Bàn lan điểm nước, đường tơ họa đàn” (Nguyễn Du), hay “Thư nhàn xin lửa pha trà mới. Vui thú bên thông ngắm chiều qua” (Cao Bá Quát).
Trà nay
Nước ta có rất nhiều vùng trà, loại trà. Trà nguyên thủy (hậu vị) là loại trà mộc không ướp hương, nhiều người sành trà cho rằng như vậy mới cảm nhận được hương vị nguyên sơ. Trà thanh hương được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau như trà sen, trà nhài, trà sói…, thường được dùng để tiếp đãi khách quý. Người Bắc thích hàn huyên bên ấm trà nghi ngút khói, người Nam lại thích thú với ly trà đá mát lạnh để vơi đi mệt nhọc. Tùy khẩu vị và vùng miền, mỗi người lại chọn cho mình một cách thưởng trà khác nhau.
Ngày nay, người sành trà Việt giờ không chỉ uống trà tại gia mà còn tìm đến các quán trà và những nhà hàng chay để thưởng thức vị trà tinh túy. Có thể kể đến nhà hàng chay Thiện Phát – điểm hẹn của không ít người đam mê món ăn chay và Thiền trà, bởi không gian tĩnh tại cùng những bản nhạc Phật du dương khiến tâm hồn thêm thanh tịnh, vứt bỏ xô bồ để lắng lòng thưởng thức những chén trà mạn, trà cung đình, trà hoa thanh khiết, hòa quyện tuyệt vời với các món ăn chay tinh tế và bổ dưỡng cho sức khỏe.
Trà tinh túy
Trà Việt từ xưa đến nay sang trọng có, mộc mạc có, và dù ở thời nào thì tiêu chí chọn trà vẫn là tinh túy, cao cấp, trà ngon phải có vị ngọt hậu. Tuy nhiên, được yêu thích và dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Việt vẫn là các loại trà dưới đây:
Thứ 1 là chè xanh, lá trà tươi chỉ việc hái xuống, rửa sạch, vò nhẹ cho vào trong ấm tích, châm nước sôi hãm khoảng 30 phút là có thể dùng được. Muốn cho nước xanh và ngon thơm thì lúc vò chè phải nhẹ tay, chỉ làm cho lá chè giập chứ không nát và khi hãm phải ủ chè cho chín trong những ấm tích được phủ bằng khăn hay đụn rơm. Trà xanh hay còn gọi là chè xanh, từ lâu đã phổ biến trên khắp các vùng miền Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng thấy chè xanh hiện diện, thứ nước uống mà ai ai cũng có thể dùng, vừa để giải khát, giải nhiệt, chống ung thư rất tốt.
Thứ 2 là trà khô, cũng là một dạng của chè xanh, khác là chè khô được làm từ những búp non hái trên những đồi chè cao, rồi phơi nắng hay sấy cho khô mới dùng. Vào những ngày mùa đông lạnh giá, chén trà nóng là người bạn không thể thiếu trong các gia đình của người miền Bắc. Nhiều người nghiền trà khô, uống quanh năm suốt tháng… Đặc biệt khi tết đến xuân về thì hầu như nhà nào cũng có ấm trà khô hãm nước mời khách bên cạnh dĩa mứt gừng hay các loại hạt bí.
Thứ 3 là trà sen, một loại trà đại diện của văn hóa trà Việt Nam, trà hái từ những búp non ướp với sen. Ướp trà sen là cả một nghệ thuật tinh tế mới đạt được hương thơm như người làm mong muốn. Có lẽ vì thế mà khi thưởng thức trà sen ta mới cảm nhận được vị chè ngọt mà lại mát, mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao. Một ấm trà sen có thể uống nhiều tuần trà mà hương thơm thì vẫn còn đọng lại ngan ngát hương thơm.
Có thể nói, uống trà từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã, một nét văn hóa thiêng liêng gắn với đời sống và tâm linh người Việt. Nhấp tách trà tinh túy, con người sảng khoái, giao hòa với thiên nhiên và đất trời, cảm nhận vị ngọt hậu đọng mãi như một triết lí nhân sinh “khổ tận, cam lai”.